GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

TRÁP SƠN SON THẾP VÀNG LÒNG GỐM SỨ THỜI NGUYỄN

Đến thời Nguyễn, làn gió văn hóa Tây phương thổi vào nước ta đem đến những điều mới mẻ trong cách những người thợ thủ công sản xuất ra các sản phẩm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kĩ thuật Á Đông và các chi tiết Tây phương đem lại những tuyệt phẩm có sự hòa quyện Á Âu tinh tế. Điểm tinh tế đó được thể hiện trọn vẹn trên chiếc tráp gỗ sơn son thếp vàng lòng gốm sứ Spode thời Nguyễn.
​Toàn thân tráp làm từ gỗ được sơn son thếp vàng, nắp hình trụ có thành cao được chạm thủng hoa văn. Sơn son thếp vàng là một kĩ thuật truyền thống và được coi là một nghề có mặt từ rất lâu, chủ yếu là miền Bắc nước ta. Kĩ thuật này được chia thành hai phần, sơn son và thếp vàng với nhiều công đoạn tỉ mỉ dày công thực hiện. Đầu tiên là sơn son, người nghệ nhân cần đánh bóng bề mặt vật cần sơn thật nhẵn, sau đó dùng loại sơn ta đặc biệt làm từ nhựa cây sơn đem lắng và lấy lớp trên cùng hay còn gọi là sơn mặt dầu. Quy trình sơn son có ba bước: gắn sơn, sơn lót và sơn phủ. Dù thếp vàng làm nổi bật cái nét riêng biệt của món đồ nhưng khâu sơn son lại đặc biệt quan trọng và phúc tạp hơn nhiều so với khâu thếp vàng. Chính vì vậy, người thợ cần có tay nghề cao, kinh nghiệm và thật cẩn thận.
Picture


​Thếp vàng là việc trang trí dán lớp vàng lá, vàng quỳ được dát thật mỏng lên về mặt các vật dụng bằng gỗ, đá, đồng,... để tạo màu vàng tự nhiên, có ánh kim bắt mắt và sang trọng. Thếp vàng gồm ba công đoạn: hom, cầm và thếp. Hom là kĩ thuật dùng sơn ta phết lót lên bức tượng 1 đến 3 lớp, mài nhẵn rồi sươn lót thêm 5 đến 10 nước sơn cuối. Trước khi mang đi thếp vàng, sản phẩm còn được phết một lớp sơn cầm để khóa. Sau khi hoàn thành hom và cầm cầu kỳ phức tạp, bước cuối cùng là thếp vàng lên bức tượng. Vật dụng để dát vàng lên pho tượng là lá quỳ (loại lá đặc biệt được làm từ giấy dó, quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu). Lá vàng sau khi đập dập, gỡ và cắt nhỏ được xếp xen kẽ vào giữa lá quỳ. Nhiệm vụ của người thợ là phải cầm lá quỳ sao cho lá vàng dính vào giấy, sau đó dán lên sản phẩm nhưng không được dí tay. Cuối cùng, nghệ nhân dậm vàng một cách tỉ mỉ để sản phẩm không bị rạn và mất đi độ bóng. Đó là cách thếp sống.


​

Phần nắp tráp được sơn son toàn bộ, thếp vàng các đường viền và họa tiết chạm thủng ở cạnh nắp. Cạnh nắp được trang trí chạm thủng họa tiết ô lưới lục giác theo hình hoa chanh tạo nên một ô lưới hình chữ nhật. Bên cạnh là ô vuông trang trí hoa lá được chạm nét mềm mại uốn lượn. Bốn góc của các họa tiết được trang trí các hoa văn thếp vàng. Các nét thếp của tráp phân bố hợp lý, không bị quá nhiều gây cảm giác khó chịu cho người thưởng thức, tạo nên nét sang trọng, có chiều sâu mà không bị hào nhoáng, phù phiếm. Trên nắp được trang trí bằng một bức chạm hoa lá, đường nét mềm mại, bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã thổi hồn vào bức khắc, khiến cho tán lá như đang đung đưa nhẹ theo làn gió. Nét sơn son thếp vàng quý không chỉ ở chất liệu hay độ công phu khi thực hiện sản phẩm. Sự trân quý của sản phẩm nằm ở giá trị tinh thần mà nó chứa đựng. Sơn son thếp vàng chứa đựng tinh thần của văn hóa lúa nước bởi sắc nâu trầm và ánh kim, thể hiện cho mong muốn và khát vọng về cuộc sống ấm êm, no đủ mà vẫn rất gần gũi, gắn bó mật thiết.

​
Picture
Lòng tráp là đĩa sứ dòng Blue Italian của hãng Spode được sản xuất cách đây hơn 200 năm. Đây là dòng gốm nổi tiếng nhất của hãng gốm sứ hàng đầu Anh Quốc. Người ta ví rằng nếu sứ Spode là hiện thân của lịch sử ngành gốm sứ Anh thì Blue Italian thể trọn vẹn tinh thần của Spode. Mặc dù vẫn được sản xuất cho đến ngày nay nhưng Blue Italian thời kì đầu thế kỉ XIX vẫn luôn là niềm ao ước của những người sưu tầm. Điểm khác biệt của dòng đĩa này là kĩ thuật in bản in họa tiết men lam lên gốm sứ một cách chính xác và tinh xảo rồi đem nung lên thành phẩm. Kĩ thuật này được phát minh bởi nhà Spode vào khoảng những năm 1780 và trở thành thành tựu đắt giá tại thời điểm đó, ghi danh Spode vào lịch sử ngành gốm sứ Anh Quốc.

Picture
Về họa tiết tranh trí của dòng đĩa này cũng khiến giới phê bình phải phân vân. Bởi khung cảnh được cho là của Italy này không có cơ sở nào chắc chắn khẳng định được. Một nhà phê bình cho rằng đây là bức tranh được tạo nên từ nhiều bản phác họa của các nghệ nhân đến từ nhiều vùng của châu Âu. Tàn tích bên trái, mặc dù không chính xác về mặt kiến ​​trúc, có thể dựa trên Great Bath ở Tivoli, gần Rome. Dãy nhà dọc tả ngạn sông tương tự như dãy nhà ở khu Latium gần Umbria, phía bắc Rome. Lâu đài ở phía xa thuộc loại chỉ xuất hiện ở miền Bắc nước Ý trong các vùng Piedmont và Lombardy. Viền đĩa được trang trí bằng các dải hoa văn hoa lá. Toàn bộ họa tiết của đĩa là bản in, không phải vẽ tay nhưng sự chi tiết cũng như sắc nét quả thực đáng kinh ngạc so với kĩ thuật thời đại bấy giờ. Bao bọc quanh đĩa là khung tráp bằng gỗ được thếp vàng viền miệng. Chân tráp được chạm khắc hoa văn hoa lá được thếp vàng. Chiếc đĩa này được thai nghén ở một lò gốm bên kia bán cầu, vượt đại dương trên con tàu buôn của thương lái Tây phương đến với bàn tay người nghệ nhân Việt, được tu bổ thêm để làm thành một chiếc tráp mang trọn nét đẹp của sự hòa quyện Á Âu.
Cái tài của người nghệ nhân đất Việt ở chỗ kết hợp gốm sứ và đồ gỗ một cách tài tình, lại còn là gốm sứ Tây phương cùng với kĩ thuật Á Đông rất tinh tế. Màu sắc kết hợp rất hài hòa giữa sắc đỏ của sơn son, sắc vàng kim của thếp vàng và sắc xanh trắng của gốm, khi đặt cạnh nhau như tôn thêm các nét riêng cho nhau, hòa quyện trang nhã trên dáng hình của tráp. Họa tiết gốm sứ Tây phương khi đặt cạnh nét chạm trổ Á Đông không bị khiên cưỡng mà rất hài hòa. Khi nhìn vào tráp, ta thấy được nếp sống cha ông qua từng nét vàng son, gợi về một thời kì hoàng kim quá vãng. 
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION