Sắc xanh trắng tựa trời mây của sứ men lam nhà Thanh luôn là đỉnh cao của gốm sứ Trung Hoa. Nét đẹp đến từ đường nét tinh xảo, hoa văn trang nhã mà dù có qua bao tháng năm thì vẫn luôn vẹn nguyên giá trị. Nhìn ngắm chiếc thống sứ men lam với những họa tiết mang đậm nét văn hóa Á Đông này, lại càng thấy được tài hoa của người nghệ nhân đã tạo nên một trân phẩm hội tụ tinh hoa ngàn năm gốm sứ.
Chiếc thống cỡ trung với đường kính miệng 60.5 cm, hình cầu dẹt với đế cao. Miệng là miệng vành, loe và dẹt ngang. Hai bên đắp nổi mặt thú, khoét rỗng ở giữa làm tay cầm. Mặt thú dữ dằn, há miệng uy nghiêm, xung quanh là những hạt châu tròn. Ở đáy có khoét một lỗ nhỏ.
Họa tiết chủ đạo của chiếc thống này là khung cảnh đàn sư tử vờn nhau dưới gốc cây tùng. Sư tử là loài thú không có trong tự nhiên ở Trung Hoa mà du nhập qua con đường cống tiến của các nước ngoại bang. Hình tượng loài vật này bước vào văn hóa Trung Quốc qua sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, nhờ đó sư tử trở thành linh vật của sự bảo hộ và thịnh vượng, cũng giống như khi nó xuất hiện trong văn hóa Ấn bằng sự hóa thân của Đức Thích Ca Mâu Ni. Hình tượng sư tử được người nghệ nhân khắc họa bằng nét bút mảnh nhẹ, họa lại dáng hình linh hoạt, tự nhiên đang vờn nhau, lông bờm dày, răng nanh sắc nhọn, mắt có thần.
Bay lượn xung quanh năm con sư tử là đàn dơi. Trái ngược với việc dơi là loài có hại, hình tượng dơi xuất hiện trong văn hóa Trung Hoa bởi chữ Hán từ “dơi” đồng âm với chữ “phúc”, qua đó cầu cho phúc lộc đáo gia. Người nghệ nhân vẽ nên bối cảnh đàn sư tử đang đứng dưới gốc cây tùng, bên cạnh là phiến linh chi xen giữa tảng đá. Linh chi là loại thuốc quý, biểu trưng cho sức khỏe dồi dào và sự trường thọ. Cây tùng, một trong tứ thời cũng là biểu trưng cho sự trường thọ, vượt qua gió bão thử thách để đứng vững trong ngày đông
Ở cổ thống người nghệ nhân trang trí bằng họa tiết khóm trúc. Cây trúc với dáng hình thẳng tắp luôn được người xưa trân trọng gọi tên trong Tứ quân tử, tượng trưng cho đức tính ngay thẳng của người đọc sách thánh hiền. Dọc theo viền chân là họa tiết mây như ý. Phần miệng được bổ ô với họa tiết hoa mẫu đơn và hoa cúc, trên nền hoa thị bốn cánh phủ kín toàn vành miệng.
Chiếc sứ men lam này thể hiện được sự phát triển vượt bậc của kĩ thuật chế tác gốm sứ dưới triều đại nhà Thanh. Dáng hình cân đối mịn màng, tỉ lệ thanh thoát, nét vẽ độc đáo, giàu ý nghĩa, nước men lam đa sắc độ tỏa sáng trên nền trắng muốt, tất cả tạo nên vật phẩm phục vụ cho thú chơi cây, cá cũng như thỏa mãn được con mắt ngắm nhìn của hậu thế luôn đau đáu góp nhặt những mảnh ghép về văn hóa ông cha.