Người Việt trọng tín ngưỡng, bởi vậy những vật phẩm dùng cho hoạt động thờ cúng luôn được chuẩn bị chỉnh chu, cẩn thận đầy thành kính. Trong không gian đó, tam sơn xuất hiện ở vị trí trung tâm luôn được chu đáo lựa chọn vật liệu, hình dáng, chế tác tốt nhất. Tam sơn bằng gỗ thời Nguyễn này hội tụ đủ các yếu tố đó để trở thành món đồ quý giá.
Tam sơn hay tam cấp là vật phẩm bằng gỗ được dùng trong thờ cúng hoặc trưng bày đồ gốm sứ, tượng. Bắt nguồn từ thuyết Tam sinh gồm Thiên-Địa-Nhân, tam sơn gồm ba bục liền nhau, trong đó bục giữa là cao nhất. Trước đây tam sơn được xem là một vật phẩm không thể thiếu trong văn hóa thờ cúng. Sau dần, tam sơn cũng được sử dụng như một kệ bày các món đồ quý giá như tượng hay đồ gốm sứ để tôn lên nét đẹp món đồ và tạo được nét văn nhã cho không gian.
Vật dụng này được chạm từ một khối gỗ, đục đẽo tạo nên hình dạng ba bục nối liền nhau qua những đường nét uốn lượn và các họa tiết trang trí khéo léo. Người thợ không đẽo những bục ấy với những đường đối xứng với nhau mà lựa chọn những nét cắt lên xuống tạo sự độc đáo mà vẫn hài hòa. Bề ngang bằng một phần ba bề dài, đảm bảo được công năng chính là giá đỡ bát hương, đồ vật. Toàn bộ tam sơn được phủ một lớp sáp bóng, tôn được đường vân và màu sắc tự nhiên của gỗ. Đường nét đơn giản nhưng trang trí mới là điểm độc đáo của món tam sơn này. Những họa tiết phủ gần như kín toàn bộ món đồ, tạo nên một vật phẩm mang đậm tính mĩ thuật và thấm đượm tinh hoa văn hóa Việt.
Họa tiết chủ đạo của món đồ là các loại quả và hoa. Trung tâm của món đồ là đôi quả đào. Họa tiết quả đào được xem là biểu tượng cho cuộc sống sung túc, giàu có và trường thọ. Phía trên bục cao nhất là quả lựu đang bung nở. Quả lựu với nhiều hạt tượng trưng cho gia đình đông con nhiều cháu, kế thừa dòng dõi. Ở dọc theo viền là các họa tiết bổ ô trang trí bát bảo. Bát bảo là tám món đồ quý, gồm quả bầu, quạt vả, thanh kiếm, cây đàn, chồng sách, ống đựng bút lông, cây sáo, phất trần. Có nhiều phiên bản khác nhau về các món đồ được xem là bát bảo, tuy nhiên đây là phiên bản được cho là phổ biến nhất. Đây là những món đồ mang đến cho chủ nhân niềm vui và sự sung túc dồi dào, niềm may mắn, … Những họa tiết đó được đi viền, nổi bật trên nền hoa văn chữ Vạn, kiểu hoa văn ta thường bắt gặp trên những món đồ gỗ thời xưa. Hoa văn chữ Vạn bắt nguồn từ Phật giáo, biểu trưng cho sự khoan dung, từ bi và sự trường tồn vô tận.
Ở hai bên tam sơn cũng được chăm chút cẩn thận với những họa tiết hoa lá và bát bửu. Mặt bên trái được người thợ điểm tô bằng họa tiết con Long mã, một thần thú phát triển dựa trên hình tượng rồng và ngựa, bắt nguồn từ tích Long mã hà đồ thời vua Phục Hy. Long mã là biểu tượng cho ước vọng về thế giới an lạc, thái bình, thịnh vượng.
Các họa tiết được đưa lên vật phẩm một các trau chuốt, tỉ mỉ. Từng nét khắc dồn nhiều tâm tư của người thợ, thổi vào đó nét hồn văn hóa Việt mà dù bao đời sau nhìn ngắm vẫn thấm được hơi thở cuộc sống ông cha.