GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

TỦ GỖ CHẠM KHẮC CẢNH ĐI SĂN VÀ LỄ HỘI TRIỀU NGUYỄN ĐẦU THẾ KỈ XX

Tủ được chọn trang trí bằng nhiều đề tài nghệ thuật nhưng không bị khiên cưỡng mà kết hợp hài hòa, tôn lên vẻ đẹp riêng của mỗi nét chạm, hòa hợp trên dáng cứng cáp của tủ.
Tủ dáng hình khối chữ nhật cứng cáp, gồm bốn ngăn ngang, chân cao, uốn cong nâng tủ lên. Vẫn là các nét chạm khắc tinh xảo, nhưng tủ này mang những đường nét rắn rỏi cứng cáp, khác với những nét rồng phượng cầu kì và lồi ra khỏi mặt phẳng như các món nội thất khác. Điều này không hề làm giảm đi tính thẩm mĩ của tủ, ngược lại tăng thêm sự gãy gọn trong cấu trúc và trang trí của món đồ. Những đề tài người nghệ nhân lựa chọn xuất hiện trên tủ khá đa dạng, từ cảnh sinh hoạt đi săn, lễ hội đến đề tài Tứ linh và các loại cây Tứ quý. Các đề tài này kết hợp hài hòa, bổ sung ý nghĩa cho nhau càng làm cho bức khắc tròn trịa đầy đặn hơn.
Picture
 

Picture
Mỗi ngăn tủ được trang trí bằng một đề tài khác nhau, lần lượt theo thứ tự trên xuống là vịt trong hồ sen, lân vờn cầu, mai hóa phượng và cuối cùng là hạc chầu đỉnh. Ngăn tủ đầu tiên được trang trí bằng họa tiết vịt trong hồ sen, thường thấy trên các món đồ gỗ gia dụng từ xưa. Từng đôi vịt bơi lội trong làn nước, dưới tán rộng của lá sen. Hoa sen vốn là biểu tượng của sự thánh khiết trong sạch, hình ảnh con vịt là biểu tượng của hôn nhân gia đình hạnh phúc, là loài vật tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Qua đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân, hình ảnh những bông sen và đôi vịt uyên ương được thể hiện một cách sinh động và tinh tế, những đường cong uốn lượn đều được người nghệ nhân khắc họa một cách rõ nét, là biểu tượng cho sự thành công, đem lại sự may mắn và mang đến cho gia chủ vị trí đầu bảng trong các kỳ thi. Ngoài ra, hoa sen và đôi vịt còn là biểu tượng của hạnh phúc vợ chồng.

​


​
Hình ảnh lân vờn cầu xuất hiện ở ngăn tủ thứ hai. Hình cầu ở đây đại diện cho mặt trời, là dương. Lân – một trong Tứ linh trong quan niệm người Việt, là biểu tượng của sự bình an, hạnh phúc và trường thọ. Truyền thuyết kể rằng, chỉ khi thái bình thịnh thế, thánh nhân tham gia chính sự thì Kỳ Lân mới xuất hiện. Bổ sung cho bức khắc, người nghệ nhân sử dụng hình ảnh Tùng lộc, biểu trưng cho may mắn, tiền tài và trường thọ. Cả hai họa tiết đều mang điềm lành với mong ước về cuộc sống giàu sang, bình an và may mắn. Nét chạm trổ tài hoa của người nghệ nhân đã biến các chi tiết trở nên mềm mại và đầy sống động.
​


Mặt ngăn thứ ba là hình ảnh mai hóa rồng. Hoa mai, một trong Tứ quân tử được biết đến như sự thuần khiết và khiêm tốn, còn được gọi là hoa năm phước lành “Mai nở có năm phúc, hạnh phúc, may mắn, trường thọ, thành công, hòa bình”. Hoa mai qua bao trắc trở sóng gió cố gắng để hóa thân thành rồng là biểu tượng của sự nghị lực vươn lên, cốt khí ngay thẳng và sức sống mãnh liệt. Hình tượng hóa thân tuyệt đẹp này được khắc họa một cách tỉ mỉ, cánh hoa tròn đầy phúc hậu, cành mai hóa rồng ẩn chứa đầy sức mạnh.


Cuối cùng là hình ảnh hạc chầu đỉnh trong tư thế đứng trên sóng triều. hạc còn được gọi là “nhất phẩm điểu” hay là “nhất phẩm đương triều”. Loài chim hạc là biểu trưng cho sự thuần khiết, thanh liêm, không tham lam, không sa đọa không dục vọng, biểu trưng cho lòng nghĩa hiệp, đức quân tử, trượng nghĩa, những người hiền sỹ, ưu tú,…  Hình dáng con hạc đứng trước sóng triều ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm. Truyền thuyết còn nói rằng hạc là chim tiên sống rất thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là “thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế
” (hạc sống nghìn năm). Cũng chính bởi vậy, nhiều thế hệ sau vẫn dùng hình ảnh chim hạc như một lời chúc, một mong ước về sự trường thọ. Hạc được khắc họa trong tư thế đứng hiên ngang, cổ vươn, đầu ngẩng cao đón lấy mọi thử thách khó khăn. 

​
Toàn bộ phần viền của mặt trước được trang trí bằng họa tiết trúc và cúc, hai loại cây trong Tứ quân tử. Trúc ngay thẳng, hiên ngang tượng trưng cho sự chính trực có thể đứng vững trước gió bão mà không hề bị gục ngã, hiên ngang như một đấng anh hùng. Cúc là loài hoa cao thượng, nở hoa muộn. Cúc không muốn cùng quần hoa tranh xuân, thà nguyện ở lúc phong hàn lạnh thấu xương, nhất cành độc tú. Phẩm chất của cúc là cam chịu cô đơn, dám ngạo mạn, khinh thường thế tục, dám nở hoa giữa mùa không có hoa nở. Cả hai loại cây này đều mang ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho khí chất người quân tử.

​
Picture
​Hai bên hồi tủ được người nghệ nhân đục nảy nền với hai bức tranh cảnh lễ hội và cảnh đi săn. Khung cảnh buổi săn nhộn nhịp với đoàn săn, trên tay là giáo mác, súng săn. Đoàn săn mang theo chó săn, đang lưng chừng giữa buổi với một số chiến lợi phẩm trong tay. Hai người thợ săn đang khiêng một con vật khá to trên lưng, một người khác cầm con chim trĩ. Một người thợ săn đang dùng súng ngắm con chim trĩ đậu trên cây tùng. Ở nơi khác là một người đang giương sung nhắm vào con hồ đang đuổi theo người đàn ông. Cảnh tượng được bàn tay nghệ nhân khắc họa chân thực sống động, giúp ta như cảm nhận được sự khẩn trương của cuộc săn bắt và cả hơi thở của rừng già. Nét chạm tỉ mỉ khắc họa dáng hình núi đá, nhành cây ngọn cỏ đều rất chi tiết và chân thật, họa nên một khung cảnh đi săn nhộn nhịp.

Mặt bên kia là khung cảnh lễ hội nơi đình làng, đám rước đang tiến bước về đình làng thực hiện nghi lễ. Đi đầu đang tiến vào đình làng là người cầm đèn, theo sau đó là dải pháo nổ tạo nên không khí rộn ràng cho lễ hội. Tiếp đến là hai ông quan ngồi trên xe kéo, được người theo che lọng. Theo sau là các lễ vật dâng lên đình làng được người khiêng trịnh trọng, có cả con lợn hãy còn sống để phục vụ tế lễ. Đi sau cùng là những người dân làng đến tham gia lễ hội, đội nói lá và nón quai thao, bọn trẻ con theo người lớn đi chơi hội. Khung cảnh làng quê được tái hiện sống động với hình ảnh hàng chuối, mái đình, ngư dân đang câu cá bên hồ đưa mắt dõi theo đoàn rước, làn nước sóng sánh dập dềnh theo làn gió đưa, cỏ cây ven bờ,… Bố cục bức khắc chặt chẽ, đường nét cử chỉ sống động tự nhiên. 

​
Picture
Tác phẩm tủ khắc gỗ này hội tụ các họa tiết đặc trưng của điêu khắc triều Nguyễn với các đề tài quen thuộc như Tứ linh hay Tứ quý. Dù nhiều nhưng không rối cũng không thừa mà bổ sung cho nhau, tôn những nét riêng của từng họa tiết lên, tạo nên một tác phẩm tròn trịa mang đầy ý nghĩa tốt lành.

Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION