Nhắc đến đồ pháp lam Huế, các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng đây là một di sản quý giá của nhà Nguyễn để lại không kém gì lăng tẩm, đền đài, thành quách, miếu mạo, thơ văn, nhạc họa...
Pháp lam hiểu một cách đơn giản là tên gọi loại sản phẩm mĩ thuật có cốt làm bằng đồng, bên ngoài được vẽ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung mà thành. Do cách thức chế tác đặc biệt nên pháp lam không chỉ đẹp về mặt hình thức mà còn có độ bền về mặt cơ, hóa, lý, tức có khả năng chống chịu cao trước sức va đập, hoặc sự ăn mòn của môi trường và khí hậu...
Pháp lam Huế tiếp thu kĩ nghệ họa pháp lang của vùng Quảng Đông, Trung Quốc, nơi mà kĩ thuật này lần đầu tiên du nhập vào Trung Hoa theo con đường truyền đạo của một số tu sĩ dòng Tên thế kỉ 17 từ vùng Limoges ở Pháp và vùng Battersea ở Anh.Vì thế, mà người Tàu còn gọi chế phẩm họa pháp lang là “Dương từ”, nghĩa là “đồ tráng men Tây dương”. Họa pháp lang được truyền vào nước ta vào thời vua Minh Mạng dưới cái tên pháp lam do một nhóm thợ vẽ của cung Nguyễn học được của người Hoa, là một trong các kiểu chế tác pháp lang của thế giới, bên cạnh kháp ty pháp lang, tạm thai pháp lang và thấu minh pháp lang. Về nguồn gốc cái tên pháp lam mà không phải giữ nguyên pháp lang, là do âm “lang” đọc gần giống với âm “Lan” tức tên chúa Nguyễn Phước Lan đặc biệt là theo lối phát âm Huế, nên phải nói lái đi để tránh phạm húy.
Người Huế đưa pháp lam vào nhiều mặt của đời sống. Có thể nói so với pháp lang các nước, thì pháp lam Huế được sử dụng đa dạng hơn cả. Người Huế ứng dụng tính năng chịu nhiệt, bền bỉ với thời tiết của pháp lam để trang trí cho các công trình ngoại thất. Đó là những chi tiết trang trí hình rồng mây... gắn trên các đầu đao ở bờ nóc, bờ quyết của các cung điện và các cửa tam quan trong lăng tẩm các vua Nguyễn; các ô hộc trang trí nhất thi nhất họa ở cổ diềm, đầu hồi, bờ mái các cung điện ở Huế. Về cơ bản, hình thức thể hiện của các đồ án pháp lam Huế xoay quanh các chủ đề về rồng phượng, chim muông, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, câu đối chữ Hán Nôm, và các loại họa tiết trang trí mang phong cách cổ điển và truyền thống...; màu sắc thì tươi vui, nhã nhặn với những gam màu truyền thống như tím, đỏ, xanh lam, vàng chanh, hồng phấn, xanh đậm... Những chi tiết trang trí pháp lam đã tô điểm cho các công trình cung điện Huế, tạo nên khí sắc chốn cung đình rực rỡ mãi cho đến ngày nay.
Người Huế cũng dung pháp lam để trang trí nội thất. Đó là những bức hoành hoặc đối liễn hình chữ nhật, có chữ Hán chạm nổi ở giữa, xung quanh trang trí cúc dây, dơi ngậm tua hoặc kim tiền, hoặc là những chữ Hán rời bằng pháp lam dùng để gắn lên các phiến gỗ tạo thành các đôi câu đối treo trong nội thất cung điện, đôi khi, chúng còn được gắn lên phương môn bằng đá trước cửa lăng vua Thiệu Trị. Dù là ngoại thất hay nội thất thì pháp lam với sự tươi sáng rực rỡ của mình đã tô điểm cho các công trình kiến trúc của Huế một vẻ đẹp riêng.
Pháp lam còn được người Huế dùng để chế tác các vật dụng trong tế tự và nhật dụng. Bao gồm những đồ tự khí như: cơi trầu, quả bồng, bát nhang, lọ hoa thờ... được tôn trí nơi đền miếu, lăng tẩm vua quan triều Nguyễn ở Huế; những mỹ thuật phẩm từng được bài trí trong nội thất các cung điện như cành vàng lá ngọc, độc bình, chậu hoa; các loại đồ dùng sinh hoạt như: tô, đĩa, tìm, chóe, hộp ấn, hộp bút...
Dù là một sản phẩm bắt nguồn từ kỹ thuật của ngoại quốc, pháp lam Huế xứng đáng được nhìn nhận như một loại hình cổ vật đặc sắc và là thành tựu của nền thủ công mỹ nghệ thời Nguyễn.