Trong “Ẩm lưu trai thuyết diêu” thời Thanh có nói: “Người Hoa sáng tạo sứ gồm ba thời kỳ lớn: thời Tống, thời Minh, thời Thanh. Thời Tống có ngũ đại danh sứ bao gồm Nhữ, Quan, Quân, Ca, Định. Cực kỳ trân quý.” Gốm sứ Tống triều với Ngũ đại danh diêu đã đánh dấu một thời kì thăng hoa và nở rộ của gốm sứ Trung Hoa cổ đại.
Tống triều
Nhà Tống là hoàng triều cai trị Trung Quốc từ năm 960 đến năm 1279. Triều đại này được sáng lập bởi Tống Thái Tổ sau khi ông soán ngôi Hoàng đế Hậu Chu và kết thúc thời kỳ Ngũ đại Thập quốc. Thời nhà Tống không có chiến tranh loạn lạc, không có hoạn quan loạn chính, không có ngoại thích chuyên quyền, văn học, khoa học và nghệ thuật đều phát triển vượt bậc. Ngũ đại danh diêu
Các nhà nghiên cứu sau này đều coi Ngũ đại danh điêu là tinh hoa của nghệ thuật thời Tống. Nhữ, Quân, Quan, Ca, Định, năm dòng sứ ghi dấu trong dòng chảy gốm sứ Trung Hoa với nước men, màu sắc và hình dáng trang nhã đặc trưng. Không cầu kì nhiều họa tiết, sự đơn giản về đường nét của năm dòng gốm sứ này là sự cô đọng về thẩm mĩ cũng như kĩ thuật của gốm sứ Trung Hoa mà dù có trải qua bao năm tháng, giá trị của nó càng được công nhận và khiến cho người thưởng thức mỗi lần ngắn nhìn lại như ngộ ra được một điều gì đó lấy làm tấm tắc.
Tên gọi Nhữ diêu bắt nguồn từ nơi dòng gốm này được khai sinh, thôn Thanh Lương Tự, huyện Bảo Phong, tỉnh Hà Nam, thuộc vùng Nhữ Châu. Gốm Nhữ không những được xếp hạng là “anh cả” trong Ngũ đại danh diêu thời Tống mà còn được đánh giá là một trong những dòng gốm có địa vị cao nhất trong lịch sử hay là đỉnh cao gốm sứ nhân loại. Dòng gốm này từng chỉ được sản xuất các vật phẩm cho hoàng cung Tống triều, xuất hiện chỉ trong khoảng 20 năm và sau đó ngừng sản xuất. Được cho rằng lấy cảm hứng từ giấc mở của Huy Tông hoàng đế về bầu trời sau cơn mưa, màu men ‘Vũ quá thiên thanh vân phá xứ’ nửa lam, nửa thanh, lại hơi ánh hồng, vẻ đẹp tinh khiết bóng mịn mềm mại như ngọc của gốm Nhữ làm nên danh tiếng dòng gốm sứ bậc nhất lịch sử. Một điểm đặc biệt của gốm Nhữ là các vết rạn, vết nứt trên lớp men. Đặc tính này đến từ chất men mã não nguyên khoáng, mang lại cho gốm Nhữ những hoa văn nổi bật trên bề mặt và vô số bong bóng nhỏ trong men, tùy theo nhiệt độ và vị trí lò nung mà đạt được. “Tựa ngọc, phi ngọc nhi thắng ngọc”-tựa ngọc, không phải ngọc mà hơn cả ngọc, men ngọc của gốm Nhữ là một kì quan của gốm sứ nhân loại. Hiện chỉ còn lại rất ít hiện vật của dòng gốm này và đều có giá cực cao. Một chiếc ang rửa bút Nhữ diêu đã từng xác lập kỉ lục đấu giá của gốm sứ khi có giá gõ búa lên tới hơn tám nghìn tỉ đồng, một con số khủng đối với cổ vật gốm sứ.
Nguồn gốc đồ sứ Quân diêu ngày nay thuộc huyện Vũ tỉnh Hồ Nam, vậy nên có quan hệ mật thiết với đồ sứ Nhữ diêu, dân gian có câu” Nhữ Quân bất phân. Đồ sứ Quân diêu có hai đặc trưng, men sứ màu sữa và nhiều biến thể. Men sứ Quân bao gồm màu xanh lam xám (thiên lam), xanh da trời (thiên thanh), trắng trăng (nguyệt bạch), đỏ (hồng) và tía (tử), với loại được đánh giá cao nhất có các mảng màu đỏ thắm hoặc tía. Thay đổi nhiệt độ và điều kiện môi trường lò nung (khử hay hoàn nguyên hoặc oxi hóa hay dưỡng hóa) làm thay đổi sắc thái màu được gọi là diêu biến, một kĩ thuật nung tạo nên sự độc đáo Quân từ vô song, một món đồ Quân không có cái thứ hai. Trong một đồ vật có màu đỏ lẫn tím , xanh lẫn trắng kết hợp, do sự kết hợp pha trộn của các màu men sứ sinh ra vô số các loại màu sắc khác nhau, hình dáng đa dạng phong phú cũng là đặc trưng nữa của đồ sứ Quân so với các loại đồ sứ xanh khác. Trên bề mặt men sứ Quân diêu có một đặc trưng rất quan trọng là những “hoa văn giun bò”, “khưu dẫn tẩu nê” tức là trong men sứ có các đường uốn khúc kéo dài, độ dài ngắn khác nhau.vệt men tự nhiên kéo dài từ trên xuống dưới. Đặc trưng khác của đồ sứ Quân diêu nhà Tống là bên ngoài đáy của các đồ sứ này thường tráng một lớp men sần và có đáng số, số càng nhỏ kích thước vật càng lớn.Người ta cũng cho rằng đồ gốm Quân là sự kết hợp các phong cách của đồ gốm hoa Lỗ Sơn thời Đường (Đường quân) với đồ gốm Sài huyền thoại thế kỉ X mà chưa có hiện vật nào trùng khớp với các miêu tả.
Quan diêu là lò gốm được quan phủ tại Biện Kinh (Khai Phong) thiết lập vào thời Bắc Tống chuyên sản xuất gốm cho cung đình. Có hai khu vực lò Quan diêu, một ở Khai Phong thời Bắc Tống, một lò thời Nam Tống ở Hàng Châu. Biện Kinh Quan diêu mang đặc trưng men rạn nhuyễn sắc tía, xương gốm mỏng, vành miệng có sắc tía và đáy có sắc đen, “tử khẩu thiết túc”. Men gốm có các dạng nguyệt bạch, đại lục, phấn thanh. Phẩm chất men ngọc Quan diêu có thể so sánh với Nhữ diêu, tuy không bằng nhưng cũng rất quý. Hàng Châu Quan diêu còn gọi là Nội diêu, có màu men nguyệt bạch, phấn thanh, mễ hoàng, men rạn kiểu băng liệt.
Nguồn gốc của gốm Ca diêu hiện vẫn còn bỏ ngỏ, nghiên cứu cho thấy Ca diêu có liên hệ với Đệ diêu của hai anh em họ Chương ở Lưu Điền, Xử Châu thời Tống. Ca diêu đặc trưng trong thớ đất men rạn có sắc tím, xương gốm mỏng, men chia ba loại chính gốm phấn thanh, màu vôi bóng và màu gạo. Đặc điểm nổi bật của đồ sứ là vết rạn khắp toàn thân, mảng hoa văn kích thước không đều nhau, men rạn dạng băng kiệt và mai hoa phiến, sắc đen và rạn nhuyễn.
Xuất phát từ trong dân gian, đến giữa triều Tống, vì sự tinh xảo mà các món đồ sứ Định diêu thuộc vùng Định Châu được đưa vào cung làm đồ ngự dụng. Định diêu nổi danh bằng dòng bạch từ. Gốm trắng Định diêu đạt đến đỉnh cao chế tác nhờ thai gốm mỏng và nhẹ, chất gốm có độ thấu quang vừa phải, đường nét thanh thoát. Cần lưu ý rằng Định diêu không chỉ dùng duy nhất loại men màu trắng, mà dùng phổ biến cả men vàng Hạt dứu, men đen Hắc định… Người ta tin rằng gốm Định diêu đã tryền cảm hứng cho đồ gốm Cảnh Đức Trấn sau này và được phỏng chế vào thời Minh, Thanh.