Rượu vẫn luôn là thức uống được ưa chuộng của con người dù bất kể thời đại nào. Người xưa coi uống rượu là một thú chơi cầu kì, cả trong việc chọn người đối ẩm hay những món đồ phục vụ cho cuộc vui. Và những chiếc nai đựng rượu ra đời. Món đồ sứ đơn giản nhưng thanh thoát đã điểm tô thêm cho cuộc vui đó nét văn nhã, trịnh trọng.
Nai là một loại dụng cụ đựng rượu với dung tích lớn hơn nậm. Thân nai bầu tròn và phần cổ thẳng đứng, thuôn dài. Nai có nhiều kích cỡ nhưng được sử dụng nhiều nhất là cỡ trung, đựng được tầm một lít. Chiếc nai này là nai cỡ trung, dung tích vừa phải. Phần thân bầu tròn, dáng trái táo. Cổ nai vươn thẳng đứng, cao vút, phần vai thuôn, miệng tròn, nhỏ. Những món đồ có phần cổ thắng và nhỏ như thế này là sự thử thách đối với người thợ. Bởi chỉ một sai sót nhỏ trong quá trình tạo hình hay nung lò, thì sẽ khó có được thành phẩm hoàn thiện. Nhưng khi nhìn vào vật phẩm này, ta thấy được đường nét mềm mại của phần vai, cổ cao hoàn hảo, phần bầu tròn trịa, có thể thấy được tay nghề của người thợ làm ra món nai này.
Toàn thân nai phủ một lớp men trắng muốt. Điểm nhấn của tác phẩm là đôi sư tử được vẽ bằng men phàn hồng thái. Phàn hồng thái hay còn được gọi là “Thiết hồng dứu”, sản xuất bằng cách sử dụng một loại men màu đỏ với độ oxit sắt được nung trong nhiệt độ thấp, khi nung thành màu sắc biến thành màu đỏ cam. Sắc đỏ trong văn hóa Trung Hoa luôn tượng trưng cho những điều may mắn, vậy nên chính màu sắc của họa tiết cũng là một lời chúc an lành.
Sư tử không được tìm thấy trong tự nhiên ở Trung Quốc mà qua con đường tiến cống của các nước chư hầu. Hình tượng sư tử du nhập vào Trung Quốc qua Phật giáo Ấn Độ. Theo quan niệm Phật giáo, sư tử chính là hóa thân của Đức Thích Ca Mâu Ni, vì vậy đây cũng chính là biểu tượng của sức mạnh và sự bảo hộ. Không bởi cơ bắp và móng vuốt, sức mạnh của sư tử đến từ tiếng gầm đầy uy lực. Sư tử bước vào văn hóa Trung Hoa với hình tượng của một linh thú bảo hộ và mang lại may mắn thịnh vượng. Hình tượng sư tử xuất hiện trên nai tuân theo nguyên tắc cặp đôi sư tử đực-cái, biểu thị "âm- dương điều hòa". Sư tử được vẽ với những nét cong đầy đặn, bờm dày, đuôi xòe, răng nanh nhọn, chồm hai chi trước hướng về phía miệng nai.
Với những nét đẹp hội tụ trên món đồ, cả về mặt tạo hình hay mĩ thuật lẫn cả ý nghĩa của họa tiết, chiếc nai này xứng đáng để người sau thưởng thức và giành cho người nghệ nhân một câu trầm trồ ngợi ca. Quả thực người xưa luôn tinh tế trong mọi thú chơi.