GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

NAI TẢN VÂN MEN XANH TRẮNG THỜI KHANG HY

Giới cổ ngoạn luôn dành một niềm yêu thích bất tận với các món nai tản vân men xanh trắng thời Khang Hy. Nét trắng ngần của lớp men áo và sắc xanh của họa tiết men lam khiến cho bất cứ ai ngắm nhìn đều mê đắm. Được sở hữu một món nai tản vân là ước ao của những người yêu vẻ đẹp của những món đồ đã thấm đẫm thời gian.
Picture
Nai là một loại dụng cụ đựng rượu với dung tích lớn hơn nậm. Chiếc nai tản vân này có dung tích tầm trung, cao 25 cm. Cổ nai thẳng đứng, gần như vuông góc với phần vai khá phẳng. Phần bụng phình ở giữa và hơi thu hẹp về đáy, dáng tựa trái táo. Phần miệng nai trám bạc và tạo hình đầu rồng hướng xuôi xuống cổ bình. Với những vật có tạo hình cổ thẳng đứng và miệng nhỏ như nai, người thợ thường dùng bạc để trám lại vành miệng, giúp cho món đồ thêm bền bỉ với thời gian cũng như điểm trang thêm cho nai.

​

Toàn bộ phần thân nai được bao phủ bởi tản vân hóa rồng. Từng áng mây lững lờ trôi tựu trung lại hóa thành hình loài linh thú. Các dải mây uốn lượn uyển chuyển, xen giữa là các phần thân mình rồng. Hình rồng không hiện diện toàn bộ mà chỉ rõ nhất phần đầu, móng vuốt và đuôi. Rặng mây kéo dài, theo đó hình rồng cũng uốn lượn mềm mại bao lấy toàn bộ thân nai. Móng vuốt rồng ẩn hiện trong mây, là loại bốn móng, có lẽ chiếc nai này từng thuộc sở hữu của một vị quan lại nào đó. Họa pháp tỉ mỉ của người nghệ nhân với những nét vẽ tỉ mỉ, đã thổi hồn vào từng chi tiết của bức vẽ. Ta nhìn thấy điều đó qua cách họ vẽ đầu rồng. Đầu rồng lớn, bờm dày hướng về sau, hai sường như sừng hươu có nhánh, đôi râu bên mũi dài, có răng nanh, mắt mở lớn uy nghi một cõi. Hình tượng rồng có ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa Á Đông. Loài thần thú này tượng trưng cho sức mạnh vô biên và quyền uy tuyệt đối. Đây cũng là loài linh thiêng mang ý nghĩa điều khiển thời tiết và bảo hộ mùa màng, có vai trò rất lớn trong nền văn minh nông nghiệp. Khi đưa hình ảnh mây hóa rồng lên chi tiết trang trí, ta thấy được ngụ ý của người nghệ nhân đang gửi gắm ước vọng về một cuộc sống giàu sang quyền lực và đầy sức mạnh. Hình tượng đó cũng như đang tái hiện lại bầu trời của buổi thái bình thịnh thế khi có điềm lành xuất hiện với rặng mây hóa thành hình rồng, báo hiệu một bậc hiền minh đang trị vì thiên hạ.
Picture
Phần viền cổ nai được trang trí bằng một diềm mây như ý với hai đầu uống cong vào nhau, gập cong hai lần rồi chập vào nhau tạo thành một đỉnh chóp nhọn. Mây như ý với tên gọi mang nghĩa vạn sự như ý, mọi ước mong đều đạt được là họa tiết gửi gắm lời chúc tốt đẹp. 

Dưới đáy bình không phải là hiệu đề chữ Khải hay chữ Triện như thường thấy mà người nghệ nhân dùng hình vẽ chiếc lá để làm hiệu đề. Do năm Định Tỵ (1677) vua Khang Hy ra các lệnh cấm trên toàn Trung Hoa cũng như những lò ngự dụng, giới hạn việc sử dụng hiệu đề niên hiệu trên đồ gốm sứ trong một vài trường hợp. Do đó trong thời gian này nhiều hiệu đề khác đã được đưa vào sử dụng, trong đó có những hiệu đề hình vẽ.


Picture
Kĩ thuật chế tác gốm sứ dưới triều đại nhà Thanh được coi là đạt đến đỉnh cao gốm sứ Trung Hoa. Xương gốm mỏng nhẹ cứng cáp, nước men trắng ngần sáng bóng, men lam tươi sáng, họa pháp tinh tế, tất cả đó làm nên danh tiếng sứ men lam Khang Hy luôn làm người thưởng ngoạn xiêu lòng mỗi khi nhìn ngắm.
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION