Người nghệ nhân đã sử dụng kĩ thuật chạm thủng để thực hiện tác phẩm. Chạm thủng là một di sản của kĩ thuật chạm khắc truyền thống, là kiểu chạm mà các hình tượng nghệ thuật được thể hiện vẫn nằm trên mặt phẳng nhưng liên kết với nhau qua sự tiếp dính của các thành phần, còn mặt nền được đục thủng để hằn rõ đường viền của các hình tượng, đồng thời làm cho bức chạm thông thoáng, nhẹ nhõm (về mặt trọng lượng cũng như cảm giác của mắt nhìn).
Bốn mặt của hộp được chạm cảnh thiên hạ thái bình, tựu trung lại toàn cảnh của cuộc vinh quy bái tổ. Đây là tục lệ khi học trò dành được thành tích cao trong các kì thi Hương, Hội, Đình trở về quê hương để ra mắt người thân họ hàng, bái lạy tổ tiên. Theo Thư tịch triều đại Việt Nam thì tục lệ này có từ thời nhà Lý năm 1335. Những người đỗ đạt ở Kinh Kỳ sẽ được ban cấp áo mũ, võng ngựa về quê hương bái tổ, được ghi danh vào sử sách. Nếu xét ra về mặt nghĩa của ngôn từ, Vinh quy bái tổ là cụm từ giàu hàm ý. “Vinh” trong vinh danh, thành công, vinh hiển. “Quy” nghĩa là trở về quê hương, chốn cũ. “Bái” nghĩa là bái lạy, khái vấn. “Tổ” vừa mang nghĩa là tổ tiên, các thế hệ đi trước, vừa bao hàm cả ý nghĩa là nơi “chôn rau cắt rốn”. Vậy Vinh Quy Bái Tổ có nghĩa là khi một người thành danh trong thi cử hay bất kì lĩnh vực nào đó. Họ sẽ quay về quê hương để bái lạy, diện kiến tổ tiên, gia đình. |
Hai mặt cạnh và mặt sau của hộp chạm cảnh nông điền, quê nhà của Trạng nguyên. Hình ảnh người nông dân được khắc họa trong các tư thế lao động, trong tay là các nông cụ. Trong bức khắc xuất hiện hình ảnh con trâu-con vật là người bạn thân thiết của nhà nông. Người nghệ nhân làm đầy bức khắc bằng các họa tiết cây tùng, cây trú, hoa cúc, mây lành và sóng nước. Các họa tiết trên đều mang ý nghĩa tốt đẹp, tượng trưng cho bốn mùa, cho cảnh thái bình thịnh trị và khí chất cương trực đoan chính của người quân tử. Nét điền viên đầm ấm thái bình được thể hiện trọn vẹn, sống động qua bàn tay người nghệ nhân, giúp ta cảm nhận được không khí bình yên của nơi vùng quê thôn dã.
|
Khung cảnh đoàn rước của Tân khoa bảng về quê bái tổ đã thể hiện đậm nét dấu ấn truyền thống Uống nước nhớ nguồn của người Việt. Ý nghĩa, giá trị của “Vinh quy bái tổ” trong điêu khắc gỗ hay bất kì chất liệu nào luôn hiện hữu nguyên vẹn tinh thần của nó. Vinh quy bái tổ nhắc nhở người học trò không quên đi cội nguồn và nơi nuôi dưỡng bản thân thành tài, tôn lên truyền thống uống nước nhớ nguồn. Nó cũng gợi lên trong mỗi người tình yêu quê hương đất nước. Vinh quy bái tổ là lời nhắc cho mỗi người học trò về sự chăm chỉ, dốc sức thành tài để mang lại vẻ vang cho quê hương.
|