GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

GỐM CHU ĐẬU – BẢN SẮC VIỆT,
​TỎA SÁNG NĂM CHÂU

Một thời đại gốm sứ đã ngủ say mấy trăm năm, chỉ bị đánh thức khi 13 đề từ chữ Hán trên chiếc bình quốc bảo ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ gợi về những nghi vấn nơi sản sinh ra nó, để rồi cuộc khai quật lớn được tiến hành trên mảnh đất Nam Sách, Hải Dương mở ra cho ta những dấu tích của một trong những cái nôi nghề gốm Việt, được đặt tên theo làng nơi nó được phát hiện – gốm Chu Đậu.
Trước khi suy tàn và chìm vào quên lãng, gốm Chu Đậu từng cực thịnh vào khoảng thế kỉ XV-XVI. Sang đến thế kỉ XVII do cuộc tranh giành quyền lực của hai thế lực Trịnh - Mạc mà dẫn đến suy tàn. Sau đó, hầu như không ai nhắc đến nghề gốm Chu Đậu nay cả trên chính quê hương của nó, bởi lẽ cái nghề truyền thống ở mảnh đất này là làm chiếu, có đôi khi người ta vẫn đào được những mảnh gốm vỡ hay di chỉ lò nung ở đây nhưng họ không mấy để tâm đến những mảnh vỡ không có giá trị.
Picture
Sau bức thư của ngài Bí thứ đại sứ quán Nhật Bản về phát hiện chiếc bình cổ trưng bày tại bảo tàng Instanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có đề từ 13 chữ Hán: Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý (hý) bút và thắc mắc về xuất xứ của nó có liên quan đến Nam Sách châu thời Minh tức huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương bây giờ, cơ quan văn hóa tỉnh Hải Dương đã cho khai quật di chỉ Chu Đậu. Tại đó đã phát hiện nhiều di vật gốm mỹ nghệ cao cấp và dấu vết của lò nung. Công cuộc khai quật tàu chìm ở Cù Lao Chàm, Quảng Nam phát hiện số lượng lớn gốm sứ có điểm tương đồng với gốm sứ phát hiện tại di chỉ Chu Đậu đã khẳng định thêm về một dòng gốm đã từng cực thịnh và đã từng được xuất khẩu, theo trên những con thuyền vượt đại dương đi tới nhiều nơi trên thế giới. Hơn 400.000 hiện vật gốm sứ còn nguyên và hàng tấn mảnh vỡ đã cho thấy quy mô sản xuất lớn cũng như độ phổ biến của gốm Chu Đậu trên bản đồ thế giới thời bấy giờ. Trước những kết quả về trục vớt đồ gốm sứ này, bà Dessa Goddard, Giám đốc ngành Nghệ thuật Á Châu của nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco, đã viết bài và cho đăng trên tờ Việt Mercury ra tháng 6/2000 về những lô đồ gốm Chu Đậu khai quật được ở Cù Lao Chàm – Hội An – Quảng Nam như sau: “Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”. Sau khi công bố về làng gốm Chu Đậu, người ta phát hiện nhiều nước trên thế giới đã trưng bày các hiện vật gốm này như Hà Lan, Nhật Bản, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ,… Tính chính xác về nguồn gốc của những vật phẩm này bây giờ mới được xác định, tức bắt nguồn từ làng gốm Chu Đậu do bàn tay của những người thợ đất Việt làm nên. Từng được xuất khẩu đi nhiều nơi, gốm Chu Đậu còn là vật phẩm ngoại giao quan trọng. Bảo tàng nghệ thuật Tokugawa Nhật Bản hiện đang trưng bày bộ sưu tập bát uống trà chân cao men tam thái của tướng quân Tokugawa Ieyasu được coi là đặt làm riêng cho vị này, được liệt và hàng Bảo vật quốc gia đặc biệt quan trọng của Nhật Bản. Chính bát trà gốm được người Nhật gọi là Annam yaki này đã ảnh hưởng ít nhiều lên phong cách trà đạo Nhật Bản. ​
Picture
Gốm Chu Đậu từng được ưa chuộng trên khắp thế giới do vẻ đẹp kì ảo: “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”, nét đẹp mà nhiều dòng gốm sứ thời điểm đó không thể có được. Hơn nữa từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... đều mang đậm bản sắc Việt và đạt đến trình độ nghệ thuật cao. Người Việt có câu “sứ Giang Tây, gốm Chu Đậu” để chứng tỏ vị thế của gốm Việt. Kế thừa sự mềm mại của gốm sứ thời Lý và nét mạnh mẽ của gốm sứ nhà Trần, gốm Chu Đậu đặc trưng với lối vẽ men lam trên nền gốm trắng. Các bình gốm Chu Đậu được thiết kế rất đa dạng về kiểu dáng, kích thước phù hợp để trang trí trong các không gian. Đặc biệt men gốm Chu Đậu làm từ tro vỏ trấu lúa nếp cái hoa vàng. Đây là dòng men tro trấu thiên nhiên đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam và được cả thế giới ngợi ca về độ bền cũng như giá trị nghệ thuật đỉnh cao. ​
Picture
Ngọn lửa nghề gốm sau mấy trăm nằm bị vùi lấp, giờ đây lại một lần nữa được thắp lên bởi bàn tay người thợ làng Chu Đậu, gốm Chu Đậu lại một lần nữa xuất hiện trên bản đồ gốm sứ Việt Nam và thế giới. Công cuộc phục hồi nghề gốm Chu Đậu đang được đầu tư, một lần nữa mở ra tương lai cho dòng gốm Việt. ​
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION