Thủy Hử - một trong “Tứ đại danh tác” luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng đến văn hóa và đời sống tinh thần Trung Hoa. Từ nguyên tác, hình tượng những con người khuấy đục vùng trời Lương Sơn đi vào thơ ca, nhạc họa và cả gốm sứ, mang theo tinh thần bất khuất, nghĩa hiệp của đấng anh hào. 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc hóa thân trên chiếc bổng chùy bình men lam thời Khang Hy này, chứa đựng được hào khí của bậc trượng phu dám đứng lên chiến đấu chống lại điều bất công.
Sứ men lam Khang Hy luôn được đánh giá là đỉnh cao của gốm sứ Trung Hoa, nhìn vào chiếc bình này người thưởng ngoạn hoàn toàn có thể thấu hiểu được điều đó. Thai cốt cứng cáp, mỏng nhẹ mà rắn chắc, thanh hoa ngũ thái đậm nhạt khác nhau, sinh động mà truyền được nét hồn qua ngòi bút người nghệ nhân, men phủ sáng trong tôn lên nét đẹp của họa pháp tài tình. Dù qua trăm năm thời gian lại càng tỏa sáng rực rỡ mê đắm người ngắm nhìn.
Bình Rouleau hay Bổng chùy bình là một dáng bình sứ được sáng tạo ở Trung quốc. Bình dáng chày gỗ, cổ ngắn, vai thoải, miệng đấu với thành miệng dựng thẳng, dày 1 cm. Dáng bình này xuất hiện sớm nhất vào đầu triều Thanh, thịnh hành thời Khang Hy. Cái tên Rouleau có nghĩa là “cuộn”, được gọi bởi các học sĩ người Pháp, dựa trên thân cao và dáng cuộn của nó, giống với hình dáng của chày gỗ có tay cầm. Hình dáng bình cương trực như hào khí người anh hùng toát ra từ họa tiết.
Người nghệ nhân vẽ lại một lát cắt trong “Thủy Hử”, diễn tả cảnh luận bàn của 108 vị hảo hán Lương Sơn. Đứng trong hàng ngũ “Tứ đại danh tác”, “Thủy Hử” có vai trò quan trọng trong dòng chảy văn hóa Trung Hoa. Thi Nại Am dùng giọng văn "nhạc trỗi chuông ngân", hùng hồn, dồn dập để truyền đi hào khí của 36 vị thiên cương và 72 vị địa sát, khuấy đục nước Lương Sơn để đối chọi với một triều đình đã thối nát khiến họ không thể giữ được cái tâm “tôi trung con hiếu”, buộc phải “bức thướng Lương Sơn”. Thủy Hử được sáng tác dựa trên những câu chuyện truyền miệng cuối đời Tống về sự cấu kết của các gian thần và bộ máy quan lại tham lam, xảo quyệt đã bức ép các trung thần, hà hiếp dân thường, khiến họ phải rời bỏ triều đình, tụ hội tại vùng đầm nước Lương Sơn, chống lại thế lực đen tối phủ trùm lên toàn bộ xã hội thời bấy giờ. Thủy hử phản ánh thực trạng trong xã hội phong kiến nhiều đời: "quan bức thì dân phản", điều đó rất hợp với tâm lý của đông đảo quần chúng lao động nghèo khổ bị bóc lột, áp bức nên Thủy hử dễ đi sâu vào tiềm thức của nhân dân.
Để truyền tải được vóc dáng của người anh hùng và sự đồng lòng quyết tâm của các bậc hảo hán, người nghệ nhân dùng họa pháp tài hoa vẽ lại cảnh “tứ hải giai huynh đệ” luận họp. 108 vị hảo hán Lương Sơn tụ hội do nhiều hoàn cảnh đẩy họ vào thế bất khả kháng. Dưới sự chỉ huy của Tống Giang đã gây dựng được thanh thế tại bến nước Lương Sơn. Khi nhìn vào họa tiết, ta thấy Tống Giang đang ngồi ở chủ vị, dưới ông là Tổng binh Đô đầu lĩnh Lư Tuấn Nghĩa. Bên trái Tống Giang là Công Tôn Thắng, xuất thân là đạo sĩ Toàn chân đạo, trên bàn ông đặt lá âm dương. Quân lương Lệnh sử Sài Tiến ngồi bên phải Tống Giang. Ngồi cạnh Lư Tuấn Nghĩa là quân sư Ngô Dụng với chiếc quạt tiêu đặt trên bàn. Bên trái ông là Chu Vũ. Phía võ tướng ta có Lâm Xung, Hồ Diên Chước, Tần Minh, Quan Thắng và Đổng Bình,… Các võ tướng mũ giáp đầy đủ, phía dưới là khu vực bày đầy đủ binh khí, thể hiện được thế lực cũng như sự bài bản của quân Lương Sơn. Tất cả đang tập trung nhìn Lý Quỳ nâng cao chiếc đỉnh đồng bằng một tay như đang phô trương sức mạnh của mình, cũng như đang thể hiện thái độ và sự quyết tâm giữa một trận bàn luận. Phân cảnh có thể đang diễn tả lại một cuộc họp để đưa ra quyết định đánh trận của quân Lương Sơn với sự cân nhắc thiệt hơn của người thủ lĩnh và các vị học giả. Trái ngược với đó là sự hăng hái muốn ra trận của các võ tướng. Họa pháp tài tình của người nghệ nhân đã diễn tả lại được bầu không khí của cuộc họp qua nét mặt, tư thế trầm tư hay hăng hái của các nhân vật. Sự đối lập của hai phe cũng được khắc họa rõ nét. Ngòi bút tỉ mỉ của người nghệ nhân đã khắc họa sinh động thần thái nhân vật, các chi tiết như quần áo, vũ khí, tóc, mũ được thể hiện tỉ mẩn, dụng công.
Cuộc họp đó được diễn ra tại Lương Sơn, bên ngoài cửa sổ là khung cảnh sông núi trời mây ngút ngàn. Núi non trùng điệp và hùng vĩ là điểm tựa cho toàn quân, vùng nước Lương Sơn như sức mạnh của 108 vị hảo hán. Sự hòa hợp của địa thế tựa núi nhìn sông như địa linh sinh ra những nhân kiệt. Người nghệ nhân điểm thêm con cá chép đang quẫy đuôi khỏi sóng nước, điểm thêm vào khung cảnh sinh khí của sự sống. Cá chép cũng là biểu tượng của sự thành công, càng thêm khẳng định cho sự thắng lợi của quân Lương Sơn.
Dưới đáy bình là hiệu đề lá ngải được vẽ bằng men lam. Cuối thời Khang Hy, các hiệu đề trên gốm sứ trở nên đa dạng. Không chỉ có hiệu đề sáu chữ viết theo lối khải hay triện, người thợ còn sáng tạo ra kiểu hình vẽ, thường thấy nhất là lá ngải, nấm linh chi, đỉnh quý,… Đây là nét riêng độc đáo của các món đồ sứ cuối thời Khang Hy-thời đại được coi là sản sinh ra những món đồ đẹp nhất của gốm sứ Trung Hoa.
Nhìn ngắm chiếc bình rouleau mang những phẩm tính tốt đẹp của sứ men lam Khang Hy, ta hiểu được vì sao hậu thế luôn có một niềm đam mê đến vậy với nó. Khiến người thưởng ngoạn phải đắm chìm vào đường nét thanh thoát không kém phần cứng cáp, họa pháp tài tình, nước men sáng trong, chiếc bình này sẽ tỏa sáng dù có đi qua bao thăng trầm thời gian, kể lại câu chuyện không chỉ về kĩ thuật chế tác, thẩm mĩ mà còn là sự hội tụ của nền văn hóa trên từng nét bút.