Ngàn năm gốm sứ Trung Hoa đạt đến sự nở rộ rực rỡ nhất dưới Thanh triều. Đến thời Khang Hy, kĩ thuật chế tác cũng như tính thẩm mĩ đạt đến đỉnh cao. Nhìn ngắm chiếc bình sứ đấu thái này, ta thấy được sự chăm chút của tiền nhân đối với những món ngoạn vật, để lại cho hậu thế một tạo tác gốm sứ đáng để ngưỡng vọng.
Đấu thái hay doucai là một kỹ thuật trang trí đồ sứ Trung Hoa, trong đó các phần của họa tiết trang trí và một số viền ngoài màu men lam được vẽ dưới men, sau đó tráng men và đem nung. Phần còn lại của họa tiết trang trí sau đó được tô vẽ thêm vào theo kiểu trang trí trên men gồm các màu sắc khác rồi đem vật phẩm nung lại ở nhiệt độ thấp hơn, khoảng 850–900 °C. Đấu thái được phát triển vào thời Minh, ban đầu là do những hạn chế về kĩ thuật thời bấy giờ, khi các màu men khác đều biến chất khi nung ở nhiệt độ cao. Các thợ gốm ở Cảnh Đức trấn đã sáng chế ra kĩ thuật trang trí này để giữ được màu sắc của men sau khi nung. Sau khi bị thất truyền mấy chục năm, đấu thái lại được phục hồi dưới thời Thanh.
Bình được tạo dáng với phần thân thắt eo nhẹ, phía trên hơi phình ra, cổ ngắn và loe phần miệng. Đế cao tầm 1 phân, vát nghiêng ra ngoài. Dáng bình chắc chắn, cao 27 cm. Những đường cong được bàn tay người thợ trau chuốt, mượt mà và căng đầy.
Bình được trang trí với các hoạt tiết hoa và đồ vật. Các màu men chủ đạo là màu lam, màu lục, màu vàng, màu chàm và màu đỏ. Những màu sắc đó đều tươi sáng, nền nã, hòa quyện với nhau tạo nên lớp họa tiết trang nhã phủ đầy dáng bình. Với những màu sắc tươi đẹp đó, người thợ dùng để vẽ nên họa tiết phượng hoàng ở chính giữa. Phượng hoàng đang giang cánh, lông được điểm tô sắc đỏ rực rỡ như ánh lửa. Hình dáng phượng tựa như biến hóa từ chiếc khánh. Phía dưới là hoa sen đang bung nở, cuộn quanh là cành cây uốn lượn. Cùng với hoa sen là chiếc khánh cũng được lựa chọn để trang trí bình. Cả ba chi tiết đều gợi nhớ ta đến Phật giáo với những triết lý về sức sống vĩnh hằng cùng với sự niết bàn hồi sinh của phượng, sự từ bi của loài hoa Phật giáo-hoa sen hay một trong Bát báu nhà Phật-chiếc khánh, biểu tượng của sự bình an sung túc.
Viền dưới đáy bình người thợ trang trí bằng diềm họa tiết kẻ tam giác, ở cổ bình là họa tiết hoa thị bốn cánh. Phần cổ bình ngắn nên người thợ chỉ sử dụng họa tiết dải mây như ý làm điểm nhấn. Mây như ý cũng là một biểu tượng thường thấy trong Phật giáo, mang ý nghĩa vạn sự như ý, mọi việc thuận lợi, hanh thông.
Dưới đáy bình là hiệu đề sáu chữ Đại Thanh Khang Hy niên chế, ghi dấu lại thời gian chiếc bình này được đắp nặn nên. Sáu chữ viết theo thể Khải bằng men lam, đặt dưới đáy bình như sự khẳng định cho nguồn gốc của nó thuộc về thời đại đỉnh cao của gốm sứ Trung Hoa. Một chiếc bình nhưng chứa đựng những thành tựu về kĩ thuật và mĩ thuật trong chế tác gốm sứ của cả ngàn năm.