Ấn tượng với phần cô độc đáo, chiếc bình này còn làm xao xuyến người thưởng thức với nước men sáng bóng, sắc lam xanh trong nổi bật và họa tiết cát tường. Tạo vật sứ men lam thời Khang Hy này quả xứng với danh tiếng của triều đại nơi nó được thai nghén.
Bình với cấu tạo hai phần khá tương phản nhau: phần thân dáng như mai bình với cổ bầu to và thu nhỏ về chân bình, trái ngược là phần cổ tạo dáng khá độc đáo như dáng miệng cốc. Đến chân bình thì đường uốn cong từ vai lại gấp khúc và cong phình ra một nét rất nhẹ, tựa như chiếc váy xòe bồng. Đáy bình được cắt vát cao.
Bình được bổ ô và trang trí các họa tiết cát tường. Ở trung tâm của mặt trước, người thợ vẽ họa tiết lẵng hoa chúc thọ, nổi bật là bông cúc đại đóa với những tầng cánh hoa sum vầy. Hoa cúc ngoài loại hoa tượng trưng cho mùa thu còn là loại hoa biểu tượng cho cuộc sống dồi dào sức khỏe và tuổi thọ dài lâu. Các loài hoa khác cũng thắm tươi và khoe sắc trong lẵng, phần quai xách được điểm thêm nút thắt nơ duyên dáng, dải lụa uốn lượn sống động dưới ngòi bút tài hoa.
Mặt sau bình người thợ điểm trang bằng họa tiết các đồ vật. Ở trung tâm là lọ cắm lông chim công. Đây là món đồ trang trí được coi là biểu trưng của phú quý và giàu sang. Lông công cũng được coi là biểu tượng của việc thăng tiến trong công việc do đây là vật điểm tô cho chiếc mũ quan ngày xưa. Bàn tay của người thợ khiến cho cùng đều là men lam nhưng sự biến thể của màu men trên nền trắng với độ đậm nhạt khác nhau tạo cho ta cảm giác dường như cũng đang mềm mại đong đưa. Chỉ riêng với kĩ thuật xử lý màu men lam thôi, chiếc bình này đã thực sự rất đáng để thưởng thức. Tại họa tiết này, lông chim công được cắm trong chiếc bình với tạo hình độc đáo. Xung quanh bình là các họa tiết phụ, như quả cầu lửa, cây quạt,…
Ở viền ngoài của ô, người thợ trang trí bằng họa tiết ô lưới hình bông hoa. Chạy dọc chân bình là họa tiết viền diềm với những hình tam giác tạo bởi các nét mảnh mai. Miệng bình được tô điểm bằng họa tiết mây như ý, một kiểu họa tiết mang điềm lành và lời cầu chúc vạn sự như ý, mọi việc hanh thông.
Lâu này gốm sứ dưới thời Khang Hy, đặc biệt là gốm sứ men lam luôn có vị trí đặc biệt trong lòng người yêu cổ ngoạn. Bởi xương gốm thanh mỏng, nước men sáng bóng, đường nét tinh tế, hoa văn trang nhã đã làm xao xuyến bất kì ai thưởng thức ngắm nhìn, để rồi đem lòng yêu một nét văn hóa kì thú này.