Nét truyền thống Á Đông và chút cách điệu Tây phương hòa quyện mượt mà trong tác phẩm gỗ này. Người nghệ nhân dùng họa tiết Tứ linh-nét trang trí của người Việt trên nền bàn gỗ tạo kiểu Tây phương tạo nên một sự kết hợp Á-Âu nhuần nhuyễn.
Bàn được làm bằng gỗ sưa tạo hình theo phong cách bàn để đầu giường của phương Tây, bốn chân cao và các ngăn kéo đựng đồ, gần cuối chân bàn có tấm phản. Khác với phong cách chân bàn thường thấy ở các món nội thất phương Đông như đầu rồng và các họa tiết trang trí cầu kì ở bốn chân, ở bàn này người nghệ nhân lựa chọn lối chế tác đơn giản hơn với các hình khối thuôn dài, lược giản đi các đường nét long phụng thường thấy. |
Phần bàn phía trên người nghệ nhân vẫn đi theo lối chế tác Á Đông truyền thống với những họa tiết trang trí cầu kì ở cả bốn mặt bàn và các ngăn kéo.
Chính diện bàn được bố trí các họa tiết Tứ linh với lần lượt các thần thú xuất hiện trên các ngăn tủ. Nổi bật nhất là họa tiết lưỡng long chầu hoa sen, thân rồng uốn lượn trong làn mây vờn quanh. Hoa sen được tọa hình thành tay kéo ngăn tủ, xung quanh là cánh hoa nở bung xòe. Để tăng thêm sự mềm mại cho bức khắc, người nghệ nhân điểm xuyết xung quanh là các dây hoa lá uốn quanh. Có long thì ắt sẽ có phụng. Bức phụng vũ được chạm phía trên lưỡng long, giương rộng đôi cánh trong làn mây. Hai bên là hai thần thú lân và quy, hội tủ đủ bốn linh thú trên mặt trước bàn. Các họa tiết được tạo hình cân đối, nét chạm khắc sắc nét, tỉ mỉ, sống động mà không mất đi thần thái của loài linh thiêng. Người nghệ nhân không bỏ qua các chi tiết nhỏ như vảy rồng, vảy lân, lông vũ của phượng, ô bát giác trên mai rùa, tất cả được thể hiện đầy đủ, tạo nên sự đầy đặn sống động của bức khắc. |
Diềm bàn là họa tiết nhành lá hóa rồng, tạo thành hình rồng đang nhìn chính diện, giữa trán khắc chữ Vương. Kiểu biến hóa này thường thấy ở phong cách điêu khắc rồng khi kết hợp với các loại hoa lá khác, tăng sự mềm mại cho bức khắc.
Cạnh trái bàn được khắc hai bức Cây cung nhân thảo và Tùng lộc. Cây cung nhân thảo là loại hoa tương trưng cho hạnh phúc và sự may mắn. Cây tùng mang nghĩa biểu trưng cho trường thọ, một tuổi già khỏe mạnh. Con hươu sao gợi lại chữ “Lộc”, có nghĩa là bổng lộc, mang nghĩa tượng trưng cho sự dư dả, dồi dào và hạnh phúc. Bức khắc mang theo mong muốn cuộc sống trường thọ với nhiều của cải, may mắn và sung túc. Cả hai bức khắc đều mang ý nghĩa cầu chúc cho một cuộc sống tốt đẹp, giàu sang và hạnh phúc. Tài hoa của người nghệ nhân vẫn được phô diễn trọn vẹn qua từng đường nét sắc sảo, tạo hình sống động, có hồn của các họa tiết. |
Mặt sau của bàn lại quay trở về đề tài Tứ linh. Họa tiết mặt rồng ngậm chữ “Thọ”, chân ẩn trong mây, râu, vảy được trổ tỉ mỉ. Bên cạnh là cây trúc, một trong “Tứ Hữu” mai lan cúc trúc, biểu trưng cho người quân tử ngay thẳng: “Trúc dẫu đốt, tiết ngay vẫn thẳng”. Phía dưới là họa tiết Lưỡng lân triều nhật, hai con lân hướng về mặt trời. Thân lân được phủ bởi cái họa tiết kẻ uốn lượn, chính giữa mặt trời là chữ “Thọ” tròn cách điệu.
Họa tiết chữ Thọ” tròn cách điệu được sử dụng nhiều trong trang trí bàn, xuất hiện ở cả mặt trên bàn lẫn phần phản dưới chân. Họa tiết chữ “Thọ” tượng trưng cho sức khỏe dài lâu, sống thọ trăm tuổi. Sự trường thọ luôn là mơ ước của con người, là điều mà bao người theo đuổi từ xưa tới nay. |