GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

​BẢN SẮC VIỆT TRONG MỸ NGHỆ KHẢM XÀ CỪ

Nhờ thiên nhiên ưu ái với bờ biển dài, nguồn nguyên liệu dồi dào, nghề khảm xà cừ ở nước ta đã đã phát triển từ lâu đời, làm phong phú thêm danh sách những làng nghề truyền thống vốn đã là nét đặc sắc của văn hóa đất Việt. Các món đồ mĩ nghệ khảm xà cừ vốn đã rất quý và thường chỉ xuất hiện trong nhà vương công quý tộc. Nét tinh mĩ cũng như sự tỉ mỉ, chăm chút cho từng sản phẩm tạo nên giá trị của những sản phẩm khảm xà cừ, làm nên danh tiếng của một nét văn hóa vàng son.
Picture
​Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một kiểu trang trí các sản phẩm gỗ bằng các họa tiết làm từ vỏ trai, ốc, bởi vậy còn được gọi là khảm trai. Đây là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở nước ta, phát triển bởi nguyên liệu dồi dào do địa thế gần biển. Nghề khảm ở Việt Nam đã thấy nhắc trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5 từ thời kỳ Bắc thuộc. Nhưng theo thần tích thì tổ nghề vùng hạ lưu sông Hồng là Ninh Hữu Hưng, một vị tướng của vua Đinh và vua Lê. Tổ nghề vùng Hà Nội sống dưới triều Lý, có tên là Trương Công Thành. Ông là ông tổ của nghề khảm xà cừ làng Chuôn Ngọ ( Phú Xuyên, Hà Nội). Sang triều Trần thì nghề khảm vỏ ốc đã khá điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi sang tặng nhà Nguyên năm 1289. Khi người Âu Châu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến là một trong những nghệ thuật cao, rất tinh vi, khéo léo. 
Picture
​Khảm xà cừ quý bởi để làm ra được một sản phẩm cần sự kì công, tỉ mỉ và cầu kì nhiều công đoạn. Xà cừ lấy từ vỏ trai, ốc, thường là trai ngọc môi vàng, trai cửu khổng, diệp xù,… Vỏ trai chẻ thành mảnh rồi rọc theo thớ, ngâm nước rồi hơ đèn cho nóng rồi uống phẳng lại. Bề mặt khảm xà cừ thường là gỗ. Người thợ vẽ các họa tiết cần khảm cừ thật chi tiết. Tiếp đó là phác họa bản vẽ lên gỗ , đục sâu các chi tiết để sẵn sàng khảm xà cừ lên. Các mảnh xà cừ đã uốn phẳng được người thợ đo cắt theo các chi tiết cẩn thận để vừa khít với bản đục trên gỗ. Khớp hoàn hảo các mảnh xà cừ và bề mặt gỗ, người thợ dùng sơn ta để gắn chặt chúng vào nhau. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên. Khi có được bề mặt khảm xà cừ mịn màng, người thợ sẽ quét sơn lên. Khảm xà cừ thường đi cùng với đồ gỗ đánh bóng, thường được sơn đen, bởi chính xà cừ đã có được vẻ đẹp lóng lánh nhiều màu khá rực rỡ bắt mắt. 
Khảm xà cừ thường dùng để trang trí các món đồ nội thất như bàn ghế, tủ, sập, giường hay các vật trang trí như tranh treo tường, khay, bình phong,… Khảm xà cừ thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ, tuy nhiên nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ có tạo nên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí. Các họa tiết ở đồ khảm xà cừ có thể là về hoa lá, chim bướm, các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam hay từ một tích cổ nào đó trong dân gian.
Picture
Ngày nay có nhiều máy móc công cụ hỗ trợ trong quá trình chế tác mỹ nghệ khảm xà cừ. Tuy nhiên cái hồn được chính những bàn tay người nghệ nhân chăm chút thủ công vẫn có nét riêng quyến rũ người thưởng thức hơn cả. 
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION