Nhắc đến đỉnh cao gốm sứ Trung Quốc là nhắc đến sứ men lam thời Khang Hy với những nét đẹp làm xiêu lòng người thưởng ngoạn dù trải qua bao năm tháng. Không chỉ đường nét thanh thoát, nét họa mĩ miều mà sứ men lam Khang Hy được yêu thích còn bởi những ý nghĩa tốt đẹp ẩn chứa sau mỗi họa tiết. Ngắm đôi lu dáng quả hồng sứ men lam Khang Hy này, ta thấy được những tinh túy của một thời kì đỉnh cao gốm sứ Trung Hoa.
Đôi lu được tạo dáng quả hồng với đường nét tròn trịa đầy đặn, trong cứng cáp vẫn có sự mềm mại căng đầy. Phần miệng được vuốt thẳng đứng để đón lấy phần nắp lu. Nắp được tạo dáng như chiếc mũ với phần tán xòe rộng, chóp được vuốt hình trái đào. Thân lu mở rộng ở giữa và thu về phần đáy.
Toàn bộ phần thân và nắp được phủ bằng nhiều nét họa tiết tạo nên một tổng thể hài hòa đầy đặn. Thân lu được chia bổ ô, mỗi ô lại được làm đầy bằng các kiểu họa tiết khác nhau. Trung tâm thân lu được trang trí bằng họa tiết lẵng hoa với những cánh hoa bung xòe đầy sức sống. Lẵng hoa được sử dụng trong trang trí là hình ảnh tượng trưng cho Lam Thái Hòa - một trong Bát tiên của Đạo giáo. Họa tiết này với sự dâng đầy của những cánh hoa thơm như đang khoe sắc hương với đời ngụ ý cầu chúc cho một cuộc sống ấm no hạnh phúc, giàu sang phú quý. Ở đường viền cạnh, người nghệ nhân trang trí bằng họa tiết đồng tiền, biểu trưng cho sự ấm no đủ đầy. phần chân và cổ lu được trang trí bằng những bông hoa cúc nở rộ. Hoa cúc được coi là biểu tượng của sự trường thọ, khi đứng cạnh đồng tiền cũng như lẵng hoa, như đang gửi gắm lời chúc phúc chúc thọ, có được một cuộc sống trường thọ viên mãn, an lành hạnh phúc và đủ đầy. Mặt sau của lu được người nghệ nhân họa nên bức tranh phong thủy với núi, thác nước và rừng cây. Cảnh đẹp sông núi mở ra trước mắt đầy nên thơ và yên bình. Bút pháp của người nghệ nhân tô điểm cho bức tranh với dáng hình rắn rỏi của đá, cành cây đâm chồi vươn lên trong gió xuân, ánh nước dập dềnh đong đưa, tất cả đều tươi mới và tràn đầy sức sống. Người nghệ nhân không bỏ qua phần nắp mà tô điểm lên đó những lẵng hoa đầy điềm lành. Phần viền nắp được trang trí bằng những được kẻ ô và hoa cúc.
Từ xưa, lu được dùng để đựng của cải châu báu, bởi vậy lu được coi là biểu tượng của sự giàu có sung túc. Trưng bày lu trong nhà giúp cho gia chủ cầu quan phát lộc, thuận lợi trên con đường công danh sự nghiệp. Từ những ý nghĩa tốt đẹp đó cùng với những họa tiết đầy cát tường được họa trên thân, đôi lu sứ men lam Khang Hy này càng chứa đựng nhiều hơn nữa ngoài giá trị thẩm mĩ và nghệ thuật, nó còn đong đầy cả những ước vọng về một cuộc sống sung túc, đắc phúc đắc lộc.