Những món đồ họa pháp lang luôn chỉ dành cho hoàng tộc bởi độ cầu kì khi chế tác cũng như sự tinh mĩ tuyệt diệu của thành phẩm. Sự kết hợp của cốt kim loại và lớp men áo sau khi được tôi luyện bằng lửa lò trở nên bền chắc, màu sắc rực rỡ và tươi sáng. Đề tài được xuất hiện trên các sản phẩm pháp lang thường là các điển tích, hoa lá hay chủ đề linh thú như chiếc đĩa vẽ rồng và dơi này.
Họa pháp lang là một loại pháp lang, hay còn được gọi là pháp lam, phật lang, phất lang, dùng kim loại oxide hóa từ các khoáng chất silic, chì, hàn the (borat), thạch anh, trường thạch… theo tỷ lệ thích hợp, rồi thêm vào một số oxide kim loại để tạo màu. Sau quá trình sấy, hỗn hợp ấy được tán mịn thành nguyên liệu màu ở dạng bột, lại dựa theo các cách làm khác nhau của công nghệ pháp lang để trát hoặc vẽ lên bề mặt cốt kim loại, rồi đem nung, tạo thành sản phẩm pháp lang. Do đồ pháp lang lấy kim loại làm cốt, nên hình thể hiện vật chắc chắn, dày và nặng, nhiều dáng vẻ. Khảo cứu công nghệ chế tác pháp lang cho thấy quy trình phức tạp, màu sắc men rực rỡ, đồ vật mịn màng quí giá, lại được các hoàng đế của hai triều Minh – Thanh coi trọng, không tiếc công sức, đã đẹp rồi còn muốn đẹp hơn nữa. Nhờ thế, chế phẩm pháp lang ngày càng hoàn thiện hơn.
Họa pháp lang ở Quảng Châu còn gọi là Dương từ. Dùng men pháp lang một màu quét trực tiếp lên cốt kim loại, rồi căn cứ theo màu sắc thiết kế của hoa văn, dùng men pháp lang vẽ nên các họa tiết, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Họa pháp lang truyền từ Âu châu vào Trung Quốc khoảng đầu thế kỷ XVII, chính thức lưu hành sau thế kỷ XVIII. Đồ họa pháp lang của Trung Quốc còn lưu lại tương đối nhiều, sản phẩm có niên đại sớm nhất thuộc đời Khang Hi.
Sản xuất Họa pháp lang đời Càn Long dựa trên nền tảng công nghệ pháp lang đời Khang Hi và Ung Chính, nhưng có những sáng tạo và đột phá. Họa pháp lang thời này chủ yếu sản xuất ở ngự xưởng của triều đình ở Bắc Kinh và ở Quảng Châu. Những bậc thầy về Họa pháp lang ở ngự xưởng thuộc Tạo biện xứ ở kinh đô, phần lớn từ Quảng Châu đến, nhưng chế phẩm thì hoàn toàn chế tác theo ý chỉ của vua. Về nghệ thuật thì công phu, kỹ càng, họa pháp đã tinh xảo lại cố gắng thêm phần tinh xảo; phong cách hoàn toàn tao nhã; thường hay dùng màu vàng tươi làm nền để vẽ các họa tiết hoa cỏ. Đề tài trang trí thường là những họa tiết truyền thống, nội dung chủ yếu ngụ ý cát tường và trường thọ, hoàn toàn thể hiện phong vị hoàng gia.
Chiếc đĩa vẽ rồng và dơi hoàn toàn thể hiện được những nét đặc sắc của đồ họa pháp lang dưới thời Càn Long. Sử dụng họa tiết chính là rồng, thể hiện quyền uy của hoàng đế và hình tượng Ngũ phúc- năm con dơi thể hiện sự may mắn cát tường. Các chi tiết màu sắc rực rỡ trên nền màu vàng tươi, thể hiện được phong vị hoàng gia của món đồ. Vì là món đồ ngự dụng nên họa tiết rồng trên đĩa là ngũ trảo long-tức rồng năm móng, hình tượng đại diện cho quyền uy của bậc đế vương. Mặt rồng nhìn chính diện, thân uốn lượn mềm mại ẩn trong mây, năm móng vuốt xòe trảo đầy uy lực. Đuôi rồng vặn xoắn hình trôn ốc. Sừng dài chĩa về sau, bờm dày, râu dài uốn cạnh mũi. Xung quanh rồng là biển mây ngũ sắc vàng, xanh, đỏ,…
Ở viền đĩa được vẽ đề tài Ngũ phúc- năm coi dơi. Con dơi trong tiếng Trung phát âm tựa như ‘phúc’ trong ‘phúc lộc’. bởi vậy hình tượng này được sử dụng như một lời cầu chúc may mắn, ước mong có được cuộc sống: Phúc, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Xen giữa là hình tượng hoa sen và cây lá uốn lượn. Hoa sen là loài hoa quân tử, cũng như đại diện cho sự hiền từ đức độ của Phật giáo.
Để tăng thêm phần tinh xảo tương xứng với một món đồ ngự dụng, người nghệ nhân đã trang trí cả phần viền ngoài của đĩa và cả ở đáy. Ở phần viền là họa tiết ba con rồng bay nối đuôi nhau trong biển mây. Ở đáy là hình ảnh phượng hoàng đang giang cánh bay. Hình ảnh phượng hoàng, loài chim đại diện cho sức mạnh hoàng hậu và sự niết bàn xuất hiện trên các món đồ ngự dụng với ngụ ý ca ngợi sự hiền lành đức độ của vua. Đồng thời đây cũng là loài chim chỉ xuất hiện buổi thái bình thịnh thế, bởi vậy cũng là ca ngợi bậc hiền quân đang trị quốc.
Cũng bởi sự quý hiếm cũng như vẻ đẹp của món đồ nên bây giờ số lượng họa pháp lang Thanh triều còn lại rất có giá trị về mặt lịch sử cũng như mĩ thuật. Nhìn ngắm món đồ, hậu thế nhận thấy được cuộc sống vàng son một thời quá vãng của tiền nhân.