GALERIE DU TONKIN
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION

 TƯỢNG ĐIÊU KHẮC GỖ SƠN MÀI VÀ MẠ VÀNG
​PHẬT A DI ĐÀ
THỜI KÌ EDO (1603-1868)

​Tượng điêu khắc phật A Di Đà, vị phật được thờ cúng nhiều nhất của Phật giáo Đại thừa. Tên của Ngài có nghĩa là vô lượng thọ, vô lượng quang, tượng trưng cho ánh sáng vô biên và tuổi thọ vô biên. 
Picture
    Dưới sự trị vì của các shogun Mạc phủ Tokugawa, nghệ thuật thời kì Edo thời kì đầu chịu ảnh hưởng nhiều của võ sĩ đạo và các samurai. Vào thời kì sau với sự du nhập của các nhà truyền giáo người Hà Lan, nghệ thuật được hòa trộn thêm phong cách Tây phương và phát triển dưới bàn tay của nghệ nhân dân gian. Đồng thời nghệ thuật Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng từ các triều đại Minh-Thanh của Trung Hoa tạo nên nét đặc sắc của thời kì Edo. Nghệ thuật phát triển đa dạng, để lại cho hậu thế những tuyệt phẩm như kịch nghệ Kabuki, múa rối Bunraku, khắc gỗ Ukiyo-e,… Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong thời kì này, vì vậy nghệ thuật điêu khắc tượng phật rất thịnh hành và đạt đến trình độ cao. Tượng Phật Nhật Bản dù ở kích cỡ nào thì cũng đạt đến độ tinh mĩ, đường nét tinh tế thanh thoát, độ chi tiết tỉ mỉ cao được trau chuốt kĩ lưỡng dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. 
​Tác phẩm điêu khắc được làm bằng gỗ chạm khắc tinh xảo mạ vàng và sơn mài. Phật A Di Đà được tạo hình đứng trên đài sen, thân mặc áo cà sa được điêu khắc mềm mại phủ lên thân tượng, sống động đến từng nếp uốn.
Picture
Picture
Mặt tượng được tạo hình tròn đầy phúc hậu, mắt nhắm hờ, nét mặt thanh thản. Ở giữa trán là Urna, một chấm xoắn ốc hoặc tròn được đặt trên trán của các hình ảnh Phật giáo như một dấu ấn tốt lành. Nó được coi là con mắt thứ ba, tượng trưng cho tầm nhìn vào thế giới thiêng liêng, một loại khả năng để nhìn qua vũ trụ đau khổ trần tục của chúng ta. Nhìn kĩ ở mép tượng có râu được vẽ nét mảnh bằng mực đen. Tóc được khắc từng xoắn nhỏ cuộn vào nhau tạo hình nhục khấu, một trong 32 quý tướng của Phật, khảm trên đó là một viên đá màu hồng.
Tay Phật được khắc họa đang thủ ấn Vitakra Mudra, tức Giáo hóa thủ ấn. Tay phải giơ lên, ngón trỏ và ngón cái tạo thành hình tròn, các ngón khác hướng lên trên, lòng bàn tay hướng về phía trước. Tay trái để xuống theo thân, ngón trỏ và ngón cái cũng tạo thành vòng tròn tượng trưng cho dòng thông tin luân chuyển tuần hoàn, khuyên mọi người giải quyết vấn đề bằng lập luận và suy nghĩ. Ấn này tượng trưng cho thời gian thuyết giáo của Phật, sẵn sàng cứu giúp chúng sinh đang trong bể khổ ải. Bàn tay-một trong 32 quý tướng, được tạo hình ngón tay thon dài, lòng bàn tay đầy đặn, đường chỉ tay sắc nét.
Picture
Picture
Sau lưng Phật là mandorla, tức hào quang hình quả hạnh được trang trí cầu kì bằng nhiều họa tiết đám mây cách điệu, bông sen. Hai bên đỉnh đầu được chạm khắc họa tiết tiên nữ đang múa, tay hướng lên trên, dải lụa trong tay uốn lượn uyển chuyển. Đỉnh hào quang được tạo hình khám thờ nhỏ được bàn tay người nghệ nhân chăm chút tạo hình một cách tỉ mỉ, chi tiết. Khám thờ mở cửa để lộ hình dáng vị phật tọa thiền bên trong, được nâng trên một đài sen nở rộ, cánh hoa xếp thành nhiều tầng. Đỉnh khám thờ là tòa tháp chín tầng, mái khám cong vút. Sau đầu tượng là một Luân viên cụ túc, tức Mạn-đà-la, biểu trưng cho vũ trụ thu nhỏ trong cái nhìn của bậc giác ngộ. Bên trong Mạn-đà-la là hoa sen tám cánh được tạo hình tròn trịa.
Hai bên thân Phật có hai người chim đứng trên gương sen. Người chim có cánh và chân chim, được tạo hình một bên co một chân, một bên đứng bằng hai chân trên gương sen. Người chim được chạm khắc kiểu tóc Chonmage, một kiểu tóc nam giới ảnh hưởng bởi phong cách Samurai thịnh hành thời Edo, gương mặt tròn trịa, mắt nhắm và đang cười. Các chi tiết được chạm trổ tỉ mỉ, từ quần áo, lông vũ trên cánh, chân chim đến nét mặt đều rõ nét và sống động.
Picture
Picture
 Tượng phật đứng trên tòa sen được đỡ bởi một bát giác đài nhiều tầng trang trí rất công phu. Mỗi tầng của đài được chạm trổ những họa tiết khác nhau, không trùng lặp. Tầng thứ nhất được tạo hình mây lành cuộn tròn cách điệu, hoa sen và mây Như ý. Bên trong là họa tiết kì lân và tường vân được điêu khắc chi tiết. 
Xuống dưới là những hoa văn cành lá uốn lượn, lá sen rũ nếp mềm mại. Người nghệ nhân sử dụng họa tiết chữ Vạn - một họa tiết thường thấy của Phật giáo để trang trí đài, biểu trưng cho lòng từ bi và trí tuệ quang minh của Đức Phật. Xoay vòng tượng trưng cho Phật lực vận tác vô cùng, không ngừng, không nghỉ, cứu độ vô lượng chúng sinh trong mười phương. Mỗi góc được bọc lại bằng thanh đồng mỏng, trang trí bằng nét mềm mại của hoa lá và mây lành.
Picture
Theo giáo lý nhà Phật, Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây Phương cực lạc, thuyết giáo siêu độ chúng sinh khỏi cõi Ta Bà. Tượng Phật A Di Đà đứng trên đài sen, mắt Ngài nhìn xuống, tay phải đưa lên ngang vai, tay trái duỗi xuống như sẵn sàng chờ đợi tiếp cứu chúng sinh ra khỏi bể khổ trầm luân được gọi là tượng Di Đà phóng quang. Tay phải của Ngài đưa lên biểu thị tứ thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật, tay trái duỗi xuống biểu thị lục đạo luân hồi: Thiên, nhân, A-tu-la, súc sinh, ngã quỉ, địa ngục. Vì thế, tượng Di Đà phóng quang mang ý nghĩa Ngài sẵn sàng tiếp độ lục phàm đưa lên quả vị tứ thánh. 
Powered by Create your own unique website with customizable templates.
  • HOME
  • COLLECTIONS
  • STORIES
  • CONTACT
  • VIDEOS
  • INSPIRATION